Tia hồng ngoại (Infrared Radiation viết tắt là IR) hay còn gọi là bức xạ hồng ngoại, ánh sáng hồng ngoại là một bức xạ dạng sóng điện từ trong dãy quang phổ điện từ, nằm giữa sóng vô tuyến và ánh sáng nhìn thấy được. Tia hồng ngoại có bước sóng dài hơn ánh sáng nhìn thấy khoảng từ 700nm tới 1mm, hầu hết các tia hồng ngoại được phát ra từ các nguồn nhiệt như ánh sáng mặt trời, đèn hồng ngoại và các thiết bị điện tử khác.
Phân loại tia IR
Theo phân loại của Mỹ, tia hồng ngoại được chia thành 5 vùng, bao gồm:
- Tia hồng ngoại gần (viết tắt NIR, IR-A): bước sóng từ 750nm đến 1.4 µm, tần số 214 – 400 THz.
- Tia hồng ngoại sóng ngắn (viết tắt SWIR, IR-B): bước sóng 1.4 µm đến 3 µm, tần số 100 – 214 THz.
- Tia hồng ngoại sóng trung (viết tắt MWIR, IR-C, MidIR): bước sóng từ 3 µm đến 8 µm, tần số 37 – 100 THz.
- Tia hồng ngoại sóng dài (viết tắt LWIR, IR-C: bước sóng từ 8 µm đến 15 µm, tần số 20 – 37 THz.
- Tia hồng ngoại xa (FIR): bước sóng từ 15 µm đến 1000 µm, tần số 0.3 – 20 THz..
Ứng dụng của tia hồng ngoại (IR) trong đời sống
Tia hồng ngoại có thể ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực khác nhau trong đời sống, từ y tế, công nghiệp, nông nghiệp, sinh học một cách hiệu quả. Nổi bật nhất trong số đó phải kể tới những ứng dụng quan trọng dưới đây:
- Y tế: tia hồng ngoại được dùng trong việc chẩn đoán hình ảnh, điều trị bệnh lý xương khớp, giảm đau và viêm, cải thiện lưu thông máu, giảm triệu chứng của trầm cảm cũng như một số bệnh lý tâm thần khác.
- Công nghiệp: ứng dụng sản xuất các thiết bị sưởi ấm, công nghiệp sấy, hàn nhiệt, sản xuất thiết bị điện tử, đo nhiệt độ từ xa. Ngoài ra, tia hồng ngoại còn được sử dụng để kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc phát hiện các lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
- Sinh học: tia hồng ngoại được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc và chức năng của các phân tử sinh học, phân tích thành phần của các mẫu tự nhiên và tổng hợp các hợp chất hữu cơ.
- Nông nghiệp: sử dụng tia hồng ngoại nhằm kiểm tra chất lượng, độ ẩm, tần suất và sự xuất hiện sâu bệnh của cây trồng. Bên cạnh đó còn là kiểm soát và thực hiện quá trình sấy khô nông sản để tăng cường khả năng lưu trữ, bảo quản.
- Quân sự: tia hồng ngoại được ứng dụng tương đối rộng rãi trong các hệ thống định vị, nhắm mục tiêu hoặc máy bay không người lái, điều khiển tự động, cảm biến từ xa phục vụ cho mục đích quân sự.